Một số quy định pháp luật về hộ tịch được sửa đổi, bổ sung
2025-03-28 08:51:00.0
Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch luôn là chủ đề quan tâm hàng đầu của người dân và cơ quan nhà nước. Bởi hộ tịch là vấn đề thiết yếu, hàng ngày đối với mỗi người dân, tác động trực tiếp đến việc thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Vì vậy, để đơn giản hoá thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch, đồng thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác hộ tịch, ngày 09/01/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Nghị định số 07/2025/NĐ-CP). Theo đó, Nghị định số 07/2025/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, đơn giản hóa thủ tục hành trong lĩnh vực hộ tịch
- Bỏ quy định về nộp Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (trường hợp cha, mẹ trẻ có đăng ký kết hôn) khi thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài. Để xác minh cha, mẹ của trẻ khi giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh, công chức Tư pháp - Hộ tịch có trách nhiệm tra cứu thông tin về tình trạng hôn nhân của cha, mẹ trẻ từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (khoản 5 Điều 3).
- Bỏ quy định nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, trích lục ghi chú ly hôn (đối với công dân Việt Nam) trong thủ tục đăng ký kết hôn, đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài; bỏ quy định đăng ký kết hôn phải nộp bản chính Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; bỏ quy định Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được sử dụng để đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam (Theo đó, Nghị định số 07/2025/NĐ-CP quy định Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được sử dụng để kết hôn tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài hoặc sử dụng vào mục đích khác). Cán bộ giải quyết thủ tục đăng ký kết hôn có trách nhiệm xác minh tình trạng hôn nhân của công dân trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Trong trường hợp bên kết hôn là công dân Việt Nam đã ly hôn hoặc hủy việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài nhưng qua tra cứu thông tin trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, thông qua kết nối giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư không thể hiện rõ thông tin về việc đã ghi chú ly hôn, hủy việc kết hôn thì cơ quan đăng ký hộ tịch hướng dẫn công dân thực hiện thủ tục ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn hoặc hủy việc kết hôn trước khi giải quyết việc đăng ký kết hôn.
Thứ hai, bổ sung các quy định về đăng ký giám sát việc giám hộ, đăng ký chấm dứt giám sát việc giám hộ để thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tế, bảo đảm quyền lợi của người dân (gồm quy định cụ thể về thẩm quyền đăng ký giám sát việc giám hộ, đăng ký chấm dứt giám sát việc giám hộ; thủ tục đăng ký giám sát việc giám hộ; thủ tục đăng ký chấm dứt giám sát việc giám hộ).
Thứ ba, sửa đổi khoản 2 Điều 2 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP theo hướng bổ sung quy định trường hợp người yêu cầu đã nộp bản điện tử Giấy chứng sinh, Giấy báo tử hoặc cơ quan đăng ký hộ tịch đã khai thác được dữ liệu điện tử có ký số của Giấy chứng sinh, Giấy báo tử thì công dân không phải nộp bản giấy để phù hợp với quy định tại điểm c khoản 1 Điều 9 Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử (bản điện tử Giấy chứng sinh, Giấy báo tử có giá trị như bản giấy) và Nghị định số 63/2024/NĐ-CP ngày 10/6/2024 của Chính phủ quy định việc thực hiện liên thông điện tử 02 nhóm thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất.
Thứ tư, sửa đổi tên Điều 3 từ “Cách thức nộp và tiếp nhận hồ sơ đăng ký hộ tịch” thành “Cách thức nộp, tiếp nhận hồ sơ đăng ký hộ tịch, tiến hành xác minh khi giải quyết hồ sơ đăng ký hộ tịch”. Trong bối cảnh chuyển đổi số, người yêu cầu đăng ký hộ tịch có thể lựa chọn một trong 03 phương thức nộp hồ sơ gồm nộp trực tiếp tại cơ quan đăng ký hộ tịch, gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc đăng ký trực tuyến theo quy định pháp luật về đăng ký hộ tịch trực tuyến (Trước đó, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định người yêu cầu đăng ký kết hôn, nhận cha, mẹ, con, đăng ký lại kết hôn trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch; người yêu cầu đăng ký các việc hộ tịch khác có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch, gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc gửi hồ sơ theo hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyến).
Ngoài ra, Nghị định số 07/2025/NĐ-CP đã sửa đổi một số quy định liên quan tại Nghị định số 123/2015/NĐ-CP để cập nhật tên gọi của Luật Căn cước và các văn bản quy định chi tiết thi hành.
Nghị định số 07/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09/01/2025./.