Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Tóm tắt Dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Thái Nguyên

2024-02-19 10:43:00.0

 

DỰ THẢO

 

 

 

TÓM TẮT ĐỀ ÁN

SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP XÃ CỦA TỈNH THÁI NGUYÊN
GIAI ĐOẠN 2023 - 2025

 

 

Căn cứ Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã; Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030; Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030; Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, Sở Nội vụ báo cáo tóm tắt Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2023 - 2025, như sau:

Phần I

HIỆN TRẠNG CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP HUYỆN, CẤP XÃ
CỦA TỈNH
THÁI NGUYÊN

I. HIỆN TRẠNG ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CÁC CẤP CỦA TỈNH THÁI NGUYÊN

1. Tỉnh Thái Nguyên

1.1. Diện tích tự nhiên: 3.521,96 km2.

1.2. Quy mô dân số: 1.480.254 người.

2. Số lượng đơn vị hành chính cấp huyện: 09 đơn vị (gồm: 03 thành phố và 6 huyện).

3. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã: 177 đơn vị (gồm: 126 xã, 41 phường và 10 thị trấn).

II. ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP HUYỆN THỰC HIỆN SẮP XẾP: Không có

III. ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP XÃ THỰC HIỆN SẮP XẾP

1. Đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp: 03 đơn vị (có 03 xã)

1.1. Xã Phúc Hà, thành phố Thái Nguyên

1.2. Xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ

1.3. Xã Na Mao, huyện Đại Từ

2. Đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp: 05 đơn vị (gồm: 01 xã và 04 thị trấn)

2.1. Thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ

2.2. Thị trấn Giang Tiên, huyện Phú Lương

2.3. Thị trấn Đu, huyện Phú Lương

2.4. Thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa

2.5. Xã Sơn Cẩm, thành phố Thái Nguyên

3. Đơn vị hành chính cấp xã liền kề có điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính khi thực hiện phương án sắp xếp: 08 đơn vị (gồm: 07 xã và 01 phường)

3.1. Xã Ký Phú, huyện Đại Từ

3.2. Xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ

3.3. Xã Phú Cường, huyện Đại Từ

3.4. Xã Tân Lợi, huyện Đồng Hỷ

3.5. Xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương

3.6. Xã Bảo Cường, huyện Định Hóa

3.7. Xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên

3.8. Phường Quan Triều, thành phố Thái Nguyên

 

Phần II:
PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP XÃ

 

I. PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP XÃ

1. Đối với xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ: Nhập xã Vạn Thọ vào xã Ký Phú để thành lập xã Vạn Phú.

2. Đối với xã Na Mao, huyện Đại Từ:

- Nhập 03 xóm Đoàn Kết, Thái Hà, Khuôn U thuộc xã Na Mao vào xã Phú Xuyên để mở rộng xã Phú Xuyên.

- Nhập 04 xóm Trung Tâm, Cây Lai, Ao Soi, Minh Thắng thuộc xã Na Mao vào xã Phú Cường để mở rộng xã Phú Cường.

3. Đối với xã Phúc Hà, thành phố Thái Nguyên

- Nhập 04 xóm thuộc xã Phúc Hà vào phường Quan Triều để mở rộng phường Quan Triều.

- Nhập 03 xóm thuộc xã Phúc Hà vào xã Quyết Thắng để thành lập phường Quyết Thắng.

4. Đối với thị trấn Giang Tiên, huyện Phú Lương: Nhập 11 xóm thuộc xã Phấn Mễ  vào thị trấn Giang Tiên để mở rộng thị trấn Giang Tiên.

5. Đối với thị trấn Đu, huyện Phú Lương: Nhập 08 xóm thuộc xã Phấn Mễ vào thị trấn Đu để mở rộng thị trấn Đu.

6. Đối với thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ: Nhập xã Tân Lợi vào thị trấn Trại Cau để mở rộng thị trấn Trại Cau.

7. Đối với thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa: Nhập xã Bảo Cường vào thị trấn Chợ Chu để mở rộng thị trấn Chợ Chu.

8. Đối với xã Sơn Cẩm, thành phố Thái Nguyên: Thành lập phường Sơn Cẩm trên cơ sở nguyên trạng xã Sơn Cẩm.

II. SỐ LƯỢNG ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP XÃ SAU SẮP XẾP

- Số lượng đơn vị hành chính cấp xã trước khi sắp xếp: 177 đơn vị (gồm: 126 xã, 41 phường và 10 thị trấn).

- Số lượng đơn vị hành chính cấp xã sau khi sắp xếp: 171 đơn vị (gồm: 118 xã, 43 phường và 10 thị trấn).

- Số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm do sắp xếp: 06 đơn vị (giảm 08 xã và tăng 02 phường).

Đánh giá: Đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp đã đạt chuẩn theo quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. UBND các huyện, thành phố khẳng định và chịu trách nhiệm về phương pháp thu thập, tổng hợp và tính chính xác của số liệu sử dụng xây dựng phương án.

II. NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC VÀ GIẢI PHÁP KHI THỰC HIỆN SẮP XẾP CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP XÃ

1. Những khó khăn, vướng mắc

- Công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 diễn ra cùng với công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV nhiệm kỳ 2025 - 2030; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 đã tạo áp lực công việc rất lớn đối với chính quyền địa phương. Với khoảng thời gian ngắn, phải thực hiện qua nhiều bước theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các văn bản pháp luật có liên quan; thời gian thực hiện tương đối gấp nhưng phải hoàn thành trước khi diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp, nhất là Đại hội Đảng bộ cấp xã nên việc nghiên cứu, xây dựng phương án tổ chức bộ máy và sắp xếp cán bộ, công chức trên địa bàn gặp một khó khăn nhất định.

- Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã gây ảnh hưởng ít nhiều đến công tác tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cơ sở, khó khăn trong quá trình bố trí chức danh lãnh đạo chủ chốt. Tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức của các đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp còn nhiều băn khoăn, lo ngại về việc tiếp tục công tác, chuyển công tác khác hoặc nghỉ công tác theo quy định; tâm lý của cán bộ, công chức sẽ bị dao động, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công việc tại địa phương; ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của một bộ phận dân cư và các thiết chế văn hóa.

- Một số đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sau sắp xếp có địa bàn rộng, khoảng cách về địa lý từ nhiều hộ gia đình đến trung tâm của xã xa dẫn đến khó khăn trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, tuyên truyền vận động, sinh hoạt cộng đồng; việc tiếp cận dịch vụ công (chuyển đổi nhiều giấy tờ có liên quan từ đơn vị hành chính cũ sang đơn vị hành chính mới) của người dân tại địa phương.

- Đối với địa bàn các đơn vị hành chính đô thị sau khi sắp xếp sẽ trở thành phường hoặc thị trấn, do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu sử dụng đất để xây dựng khu đô thị, khu dân cư và các lĩnh vực phi nông nghiệp tăng nhanh sẽ gây khó khăn đối với công tác quản lý hành chính nhà nước trong thời gian đầu.

2. Giải pháp khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

- Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sắp xếp đơn vị hành chính nhằm xây dựng nền hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả để tạo sự đồng thuận về nhận thức và hành động trong cấp ủy, chính quyền các cấp, trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là đối với các đơn vị hành chính thuộc diện phải sắp xếp.

- Kịp thời ban hành và tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tại địa phương, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc, mục tiêu, phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn và quy hoạch đô thị.

- Tiếp tục rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giải quyết dứt điểm việc dôi dư cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đối với các đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025. Tập trung thực hiện tốt việc sắp xếp, ổn định tổ chức bộ máy; lựa chọn trụ sở làm việc dựa trên các tiêu chí bao gồm cơ sở vật chất đáp ứng các điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc; diện tích trụ sở, nhà văn hóa rộng, đáp ứng cơ bản các nhu cầu và có vị trí trung tâm để tạo thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện giao dịch hành chính và sinh hoạt; có điều kiện để phát triển trở thành đô thị trong tương lai.

- Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội tại các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp đảm bảo hoạt động của chính quyền địa phương và các cơ quan, tổ chức sau khi sắp xếp. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức chuyển đổi giấy tờ liên quan đến thay đổi tên đơn vị hành chính theo quy định.

III. KẾ HOẠCH, LỘ TRÌNH VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN VIỆC SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP XÃ

1. Kế hoạch và lộ trình thực hiện

1.1. Năm 2024

- Hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp giai đoạn 2023 - 2025.

- Tập trung giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư tại các đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019 - 2021.

- Tiến hành sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại các đơn vị hành chính cấp thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025.

- Sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công tại đơn vị hành chính cấp thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025.

- Thu hồi con dấu cũ, khắc con dấu mới và thực hiện việc chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới, tên gọi của đơn vị hành chính cấp thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025.

- Triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đặc thù tại các đơn vị hành chính cấp hình thành sau sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025.

1.2. Năm 2025

- Các địa phương tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 theo đơn vị hành chính mới sau khi sắp xếp.

- Tập trung giải quyết chế độ, chính sách dôi dư cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sau Đại hội Đảng bộ cấp xã nhiệm kỳ 2025 - 2030 những đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025.

- Tập trung thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị tại đơn vị hành chính cấp thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025.

- Hoàn thành việc chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới và tên gọi của đơn vị hành chính cấp thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025.

-Tiếp tục triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đặc thù tại các đơn vị hành chính cấp hình thành sau sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025.

- Triển khai công tác lập mới, chỉnh lý, bổ sung hồ sơ, bản đồ địa giới đơn vị hành chính các cấp theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.

- Sơ kết việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp giai đoạn 2023 - 2025.

IV. PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP TỔ CHỨC BỘ MÁY, BỐ TRÍ ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ GIẢI QUYẾT CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NHỮNG TRƯỜNG HỢP DÔI DƯ DO SẮP XẾP

1. Phương án và lộ trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức, đơn vị tại các đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sau khi sắp xếp

1.1. Đối với tổ chức Đảng: Ban Thường vụ cấp ủy cấp trên xây dựng đề án, quyết định hợp nhất, giải thể hoặc thành lập đảng bộ mới trên cơ sở sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; việc bố trí, kiện toàn Ban Chấp hành và một số chức danh trong Đảng ủy theo quy định của Điều lệ Đảng, Việc sắp xếp tổ chức đảng đồng bộ với sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

1.2. Đối với bộ máy của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân: Hợp nhất và kiện toàn tổ chức bộ máy của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân của các đơn vị cấp xã trước khi nhập, số lượng cán bộ sẽ sắp xếp phù hợp với quy định của Trung ương và tình hình thực tiễn ở từng đơn vị hành chính cấp xã.

1.3. Đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và hội đặc thù: Hợp nhất và kiện toàn tổ chức bộ máy các tổ chức của các đơn vị cấp xã trước khi nhập, số lượng cán bộ sẽ sắp xếp phù hợp với Điều lệ của các tổ chức, quy định của Trung ương và tình hình thực tiễn ở từng địa phương cấp xã.

1.4. Đối với các chức danh công chức cấp xã: Sắp xếp, bố trí hợp lý số lượng công chức hiện có của các đơn vị cấp xã trước khi nhập, số còn lại bố trí nghỉ công tác và hưởng chế độ của Nhà nước theo quy định, điều động về các cơ quan, đơn vị cấp huyện và cấp xã khác trên địa bàn còn thiếu vị trí công chức.

1.5. Đối với bộ máy của Công an và Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh hướng dẫn các địa phương sắp xếp tổ chức lại bộ máy của Công an, Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã theo hướng dẫn của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và tình hình thực tiễn ở từng địa phương cấp xã đảm bảo theo đúng quy định.

1.6. Tổ chức đơn vị sự nghiệp trường học, trạm y tế

- Sở Giáo dục và đào tạo hướng dẫn các địa phương n định tổ chức các trường học (gồm: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) trên địa bàn các đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp để không ảnh hưởng đến việc di chuyển của học sinh, đảm bảo chất lượng dạy và học, sử dụng hợp lý, tiết kiệm cơ sở vật chất hiện có của các trường học; nghiên cứu, điều chỉnh đề án sắp xếp các trường học trên địa bàn để triển khai thực hiện cho phù hợp với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

- Sở Y tế hướng dẫn các địa phương sắp xếp, bố trí hợp lý số lượng viên chức y tế tại các Trạm y tế cấp xã nhằm đảm bảo cơ sở khám, chữa bệnh để phục vụ Nhân dân thuận lợi nhất, số còn lại bố trí nghỉ công tác và hưởng chế độ của Nhà nước theo quy định, điều động điều động về Trung tâm y tế cấp huyện hoặc Trạm Y tế cấp xã khác trên địa bàn còn thiếu vị trí viên chức.

2. Phương án sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị tại các đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sau khi sắp xếp

a) Số lượng cán bộ, công chức cấp xã thực hiện sắp xếp hiện có mặt: 441 người. Trong đó cán bộ, công chức là 296 người, người hoạt động không chuyên trách là 145 người. Dự kiến bố trí, sắp xếp như sau:

- Bố trí sắp xếp tại các đơn vị sau sắp xếp: 367 người, trong đó cán bộ, công chức là 226 người, người hoạt động không chuyên trách là 141 người.

- Giải quyết số lượng dôi dư là 73 người, trong đó nghỉ giải quyết chế độ là 24 người và chuyển sang các đơn vị khác là 49 người.

b) Số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp:

- Trước mắt giữ nguyên trạng số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục và thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy cho phù hợp và đảm bảo tình hình thực tiễn ở từng địa phương cấp xã đảm bảo theo đúng quy định.

- Sở Y tế hướng dẫn UBND thành phố Thái Nguyên, Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên xây dựng đề án, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy đảm bảo số lượng theo đúng quy định.

c) Tổ chức bộ máy đối với Công an và Ban Chỉ huy quân sự cấp xã

- Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh hướng dẫn UBND cấp huyện, Công an, Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện tham mưu xây dựng, đề xuất phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí sử dụng biên chế lực lượng công an, quân sự tại đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp đảm bảo theo đúng quy định.

3. Phương án và lộ trình giải quyết chế độ, chính sách sau sắp xếp đơn vị hành chính

Căn cứ theo nguyện vọng, trình độ, năng lực của cán bộ, công chức, viên chức, Ủy ban nhân dân cấp huyện bố trí cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư được hưởng các chế độ, chính sách theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế; Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên về việc quy định chế độ, chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động do thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh Thái Nguyên.

Sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã cần thực hiện tốt phương án, lộ trình sắp xếp, đồng thời thực hiện giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính bảo đảm đúng quy định. Việc bố trí sắp xếp cán bộ phải đảm bảo dân chủ, công khai giải quyết chính sách cán bộ thỏa đáng, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác và ổn định cuộc sống, cụ thể:

- Đối với số lượng cán bộ dôi dư (bao gồm: Bí Thư, Phó Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội): Các địa phương căn cứ theo các tiêu chuẩn quy định về công tác cán bộ, thực hiện lựa chọn những người đảm bảo đủ tiêu chuẩn để bầu giữ các chức vụ lãnh đạo theo quy định; số cán bộ lãnh đạo còn lại dôi dư thực hiện sắp xếp, bố trí cho bảo lưu hệ số phụ cấp chức vụ theo quy định hoặc hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

- Điều động, bố trí giữ các vị trí phù hợp với trình độ chuyên môn được đào tạo và chức danh theo quy định tại các đơn vị hành chính cùng cấp khác trên địa bàn còn khuyết nhân sự.

- Thực hiện xét tuyển cán bộ, công chức cấp xã làm công chức cấp huyện đối với các trường hợp đủ điều kiện, tiêu chuẩn và còn biên chế công chức cấp huyện chưa sử dụng.

- Vận động cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã lớn tuổi, chưa đạt chuẩn tự nguyện xin nghỉ để hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

V. PHƯƠNG ÁN VÀ LỘ TRÌNH SẮP XẾP, XỬ LÝ TRỤ SỞ, TÀI SẢN CÔNG SAU SẮP XẾP ĐVHC CẤP XÃ

- Trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và các Bộ, ngành Trung ương có liên quan, hướng dẫn công tác lập dự toán việc xử lý tài sản, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức tại các đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp để có phương án chuyển đổi, quản lý, sắp xếp và sử dụng có hiệu quả, tránh lãng phí, tiêu cực hoặc để tài sản, trụ sở hư hỏng, xuống cấp gây thất thoát lãng phí.

- Cân đối, bố trí nguồn ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương.

- Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng và triển khai phương án xử lý cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, tài sản công của các đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp để kịp thời điều chỉnh phù hợp với nhu cầu thực tế và theo quy định của pháp luật; bảo đảm bố trí, sắp xếp, sử dụng, khai thác hiệu quả tài sản công hiện có.

VI. KẾT LUẬN

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của các huyện, thành phố; bảo đảm bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; tinh giản biên chế; mở rộng không gian đô thị, góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.

Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
giai đoạn 2023 - 2025 đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn tại địa phương.

Trên đây là tóm tắt Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh Thái Nguyên, xin ý kiến các đồng chí tham gia ý kiến vào dự thảo đề án, để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định./.

T/h: Nguyễn Yến
UBND xã Phú Cường

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 209688